Nhược thị là gì? Nguyên nhân và ảnh hưởng của nhược thị
Nhược thị (còn gọi là bệnh mắt lười) là tình trạng thị lực kém do sự phát triển thị giác không hoàn thiện, khiến các chức năng của mắt bị suy giảm. Nhược thị thường chỉ xuất hiện ở một bên mắt, có thể cả 2 mắt. Vậy nguyên nhân và ảnh hưởng của nhược thị đến chất lượng cuộc sống như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Nhược thị là gì?
Bệnh nhược thị mắt chia làm hai loại là nhược thị chức năng và nhược thị thực thể. Nhược thị chức năng là tình trạng thị lực của mắt có thể cải thiện sau một thời gian điều trị và phục hồi chức năng. Còn nhược thị thực thể là tình trạng mắt không thể phục hồi hoàn toàn trở về bình thường được. Nhược thị có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn nếu không có giải pháp điều trị kịp thời.
Nhược thị có thể dẫn đến mù lòa
2. Nguyên nhân gây ra nhược thị
Nhược thị có thể phát triển từ những vấn đề về tật khúc xạ và những vấn đề khác của mắt. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây ra nhược thị ở trẻ:
- Lác mắt: Là tình trạng một mắt tập trung nhìn thẳng về phía trước, mắt còn lại di chuyển vào trong, ra ngoài, lên trên, xuống dưới. Để tránh bị song thị, não của trẻ có thể bỏ qua hình ảnh từ mắt không tập trung nhìn thẳng. Nhưng điều này có thể làm cho thị giác không phát triển bình thường.
- Tật khúc xạ: Một đứa trẻ có thể có tật khúc xạ ở hai mắt không giống nhau. Ở mắt có tật khúc xạ nặng hơn có thể nhìn mờ hơn mắt còn lại và từ đó sự phát triển thị giác của mắt nhìn mờ hơn sẽ không phát triển bình thường.
- Tác nhân mất nhìn: Một số trẻ được sinh ra với những bệnh lý gây nên đục các thành phần trong suốt như giác mạc, thủy tinh thể, dịch kính hay sụp mi... Điều này làm cho sự phát triển thị giác bị cản trở.
Lác mắt là một trong những nguyên nhân gây nhược thị
3. Triệu chứng của nhược thị
Không phải dấu hiệu nào cũng rõ ràng và nhìn ra được bằng mắt thường nếu không cẩn thận chú ý quan sát. Việc nhận biết được triệu chứng nhược thị là gì sẽ giúp phát hiện sớm và tăng tỷ lệ thành công khi điều trị nhược thị.
- Mắt lác được coi là biểu hiện dễ thấy nhất của nhược thị
- Hay nheo mắt, mỏi mắt, có tật nháy mắt
- Mắt nhìn lệch, khi nhìn thường phải nghiêng đầu, kể cả nhìn thẳng.
4. Ảnh hưởng của nhược thị
Nhược thị không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn cản trở công việc và sinh hoạt có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Một trong hai mắt không hoạt động sẽ gây suy giảm, mất chức năng thị giác hai mắt. Một mắt nhược thị sẽ khiến mắt còn lại trở thành độc nhất, làm mất đi mắt dự trữ nếu gặp bệnh lý, chấn thương. Ngoài ra khi nhìn hai mắt, thị lực, thị lực tương phản, khả năng cảm nhận chiều sâu sẽ tốt hơn khi nhìn bằng một mắt . Nhược thị phát hiện quá trễ sẽ không có khả năng chữa khỏi, thậm chí hỏng mắt, gây mù lòa.
5. Nhược thị được khám và chẩn đoán như thế nào?
Các bác sĩ sẽ tiến hành các kiểm tra để chẩn đoán như:
- Đo thị lực.
- Kiểm tra khúc xạ.
- Kiểm tra thị giác hai mắt và khả năng vận động mắt.
- Khám sức khoẻ mắt.
Đối với trẻ em cần được khám mắt định kỳ 6 tháng 1 lần để có biện pháp điều trị kịp thời vì bệnh thường biểu hiện một bên mắt nên sẽ khó nhận biết nếu không chú ý.
Khám mắt định kỳ phòng ngừa nhược thị
6. Điều trị nhược thị
Để điều trị nhược thị bác sĩ cần kiểm tra xác định rõ nguyên nhân gây bệnh như đục thủy tinh thể, cận thị, viễn thị,... sau đó lên phác đồ điều trị đồng thời phối hợp giữa gia đình và bác sĩ để điều trị đạt kết quả.
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật để loại bỏ các tác nhân gây nhược thị do mất nhìn như: đục giác mạc, loét giác mạc, đục thuỷ tinh thể, sụp mi. Sau đó, nhược thị sẽ được điều trị theo phác đồ chuẩn gồm các bước:
- Giai đoạn 1 - Chỉnh quang: Trẻ được đeo kính đúng số để mắt đạt thị lực tối đa. Có thể sử dụng kính gọng, kính tiếp xúc, kính nội nhãn để điều trị tật khúc xạ của trẻ.
- Giai đoạn 2 - Gia phạt và kích thích thị giác: Sử dụng các phương pháp khác nhau để làm mờ mắt không nhược thị. Trong thời gian gia phạt, trẻ cần được kích thích thị giác mắt nhược thị bằng các bài tập hoặc các hoạt động kích thích thị giác khác như: vẽ tranh, tô màu, nhặt hạt,...
- Giai đoạn 3 - Chỉnh lác (nếu có): Bằng các bài tập thị giác, lăng kính, phẫu thuật. Giai đoạn 2 và 3 có thể linh hoạt, thay đổi vị trí trong một số trường hợp.
- Giai đoạn 4 - Hoàn thiện chức năng thị giác hai mắt: Trẻ được khám, cung cấp các bài tập thị giác hai mắt để các vấn đề về thị giác hai mắt còn lại được hồi phục. Trẻ có chức năng mắt như một trẻ được phát triển mắt bình thường.
Một số lời khuyên của bác sĩ khi nhược thị
Bệnh nhân bị nhược thị cần có liệu pháp và các bài tập để tăng cường sức mạnh cho mắt yếu hơn. Vì vậy, việc điều trị này thường được giám sát bởi một bác sĩ trực tiếp. Hình thức điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nhược thị, tuổi của người bệnh và thời gian điều trị.
Phát hiện sớm và điều trị nhược thị sẽ đem lại hiệu quả điều trị tốt hơn so với trẻ được phát hiện và điều trị muộn hơn. Giai đoạn trước 8 tuổi được coi là giai đoạn vàng để điều trị nhược thị. Sau 8 tuổi, chức năng thị giác của trẻ gần như đã hoàn thiện như người lớn và việc điều trị sẽ khó khăn hơn, hiệu quả điều trị thấp hơn.
Cần tái khám đúng lịch trong quá trình điều trị nhược thị. Ở mỗi giai đoạn, nhược thị sẽ được điều trị bằng một phương pháp khác; mỗi độ tuổi sẽ được tái khám theo các chu kỳ khác nhau. Vì vậy, cần chú ý cho trẻ tái khám đúng lịch để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
Nhược thị ở trẻ em: Cần điều trị sớm để phòng ngừa suy giảm thị lực
Theo một thống kê của trường Đại học Y Hà Nội, có khoảng 3 triệu trẻ em Việt bị nhược thị, chứng bệnh về mắt thường bị bỏ quên, có thể dẫn đến giảm thị lực không phục hồi, nếu không điều trị kịp thời trong độ tuổi 4-12 tuổi.
Điều trị nhược thị ở trẻ em: Lĩnh vực còn bị bỏ trống
Nhược thị là tình trạng giảm thị lực do nhiều nguyên nhân, xuất hiện trong giai đoạn nhạy cảm của quá trình phát triển thị giác và tình trạng giảm thị lực không cải thiện hoặc cải thiện rất ít sau khi điều trị được nguyên nhân.
Nhiều nghiên cứu cho thấy giai đoạn nhạy cảm kéo dài từ sau sinh đến 5 tuổi. Bất kỳ nguyên nhân nào xảy ra trong giai đoạn này đều có thể gây nhược thị và thời điểm xuất hiện càng sớm khả năng bị nhược thị càng cao và càng trầm trọng.
Nhược thị do một trong những nguyên nhân như sau: lé; bất đồng khúc xạ - khi chênh lệch khúc xạ giữa hai mắt từ 1 độ trở lên đối với viễn thị và loạn thị, 3 độ trở lên đối với cận thị; những bệnh lý xảy ra ở một hoặc hai mắt gây ra do sự che khuất môi trường trong suốt của mắt như: đục thủy tinh thể bẩm sinh, sẹo đục giác mạc, sụp mi nặng, xuất huyết tiền phòng, đục dịch kính nặng,…
Đây là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, căn bệnh này hầu như bị bỏ quên và thiếu cơ sở y tế triển khai dịch vụ điều trị nhược thị chuyên sâu. Điều này bở lỡ cơ hội phục hồi thị lực cho các bé mắc nhược thị được điều trị trong "giai đoạn vàng".
Nhiều nghiên cứu cho thấy nhược thị do lé có thể hồi phục nếu can thiệp điều trị trước 9 tuổi, nhược thị do bất đồng khúc xạ có thể hồi phục tốt nếu can thiệp điều trị trước 12 tuổi.
Do đó đối với trẻ bị nhược thị dưới 12 tuổi, việc điều trị là bắt buộc vì có khả năng hồi phục. Các trẻ từ 12 tuổi trở lên vẫn có khả năng hồi phục nhưng không cao. Những trẻ này vẫn nên điều trị thử nếu trước đó trẻ chưa từng được điều trị.
"Trẻ bị nhược thị không được điều trị thì khi trưởng thành có thị lực rất kém. Việc triển khai dịch vụ điều trị nhược thị cho trẻ em mang một ý nghĩa cộng đồng đặc biệt, giúp trẻ nhược thị có cơ hội có được đôi mắt sáng bình thường",